Nhu cầu thu hút vốn đầu tư vào khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo
Khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo được quy hoạch cách thị xã tỉnh lỵ Đông Hà 60km về phía Tây, là điểm đầu của Việt Nam trên hành lang kinh tế Đông – Tây, trải dọc 25km theo quốc lộ số 9, có tổng diện tích 15.804 ha, có ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ chủ quyền quốc gia Việt Nam nhưng có không gian kinh tế thương mại riêng biệt, bao gồm 2 thị trấn: Khe Sanh, Lao Bảo và 5 xã: Tân Liên, Tân Hợp, Tân Lập, Tân Long, Tân Thành thuộc huyện Hướng Hoá. Dân số hiện nay khoảng 35.000 người, trong đó có 4.000 người thuộc đồng bào dân tộc Tàôi – Pacô và Bru – Vân Kiều.
Đây là một mô hình khu kinh tế được Chính phủ triển khai xây dựng và hoạt động theo một quy chế riêng lần đầu tiên được áp dụng thí điểm tại Việt Nam, được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.Việc thành lập khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước nhằm vào các mục tiêu: Khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh khu kinh tế cửa khẩu trên hành lang kinh tế Đông – Tây; cụ thể hoá mối quan hệ hợp tác toàn diện với nước bạn Lào; mở rộng giao thương để đón đầu tiến trình hội nhập AFTA; thực hiện chính sách xoá đói, giảm nghèo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân vùng biên giới huyện Hướng Hoá tỉnh Quảng Trị.
Đến nay công tác quy hoạch và xây dựng khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo đã cơ bản được hoàn thành, bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế
– xã hội đến năm 2020, Xây dựng kết cấu hạ tầng của các khu chức năng dành cho hoạt động đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Để thực hiện đúng quy hoạch, khai thác và phát huy hiệu quả của kết cấu hạ tầng đã được xây dựng cần những lượng vốn đầu tư cho các lĩnh vực sau:
Một là, vốn xây dựng kết cấu hạ tầng
Đây là khu kinh tế – thương mại nhận được sự giúp đỡ, đầu tư rất lớn của Chính phủ. Sau gần 8 năm xây dựng và phát triển, Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Trị đã tập trung đầu tư có trọng điểm nên nhiều công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu đã được hình thành và phát huy hiệu quả thiết thực. Đã có 65 hạng mục đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn thành và đưa vào sử dụng với số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là 320 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nhiều nguồn vốn khác các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhiều hạng mục bảo đảm cung ứng cho khu kinh tế – thương mại như: trạm biến áp và đường dây tải điện 110 KV Đông Hà – Lao Bảo có giá trị 130 tỷ đồng; nhà máy cấp nước Khe Sanh – Lao Bảo có công suất 9.000m3/ngày/đêm và đang được nâng công suất lên 15.000 m3/ngày/đêm; xây dựng và đưa vào sử dụng 2 tổng đài 512 số, điện thoại di động phủ sóng toàn khu vực với hai mạng Vinaphone và Mobiphone; triển khai lắp đặt mạng Internet tốc độ cao ADSL và đã đưa vào khai thác. Hệ thống các loại hình dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, và các khu vui chơi giải trí đã được đầu tư và đi vào hoạt động. Ước tính nguồn vốn các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng.
Ngoài ra, hạ tầng xã hội đã được đầu tư khá hoàn chỉnh: 3 trường phổ thông trung học, 5 trường phổ thông cơ sở, 10 trường tiểu học được xây dựng khang trang. Tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn đều có trung tâm y tế với đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn cao; bệnh viện đa khoa trung tâm có quy mô 100 giường bệnh đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sân vận động Khe Sanh có sức chứa 10.000 chỗ, nhà văn hoá 1.000 chỗ ngồi, trạm thu phát sóng truyền hình Khe Sanh và Lao Bảo đã được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào khai thác có hiệu quả.
Cùng với chính sách đặc biệt ưu đãi và hệ thống cơ sở kỹ thuật, cơ sở phúc lợi xã hội ngày một hoàn thiện, khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo đang vận hành trong những điều kiện hết sức thuận lợi, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.
Nhưng hiện nay khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo vẫn đang cần vốn để tiếp tục hoàn thiện các công trình hạ tầng trên quy mô 130 ha tại các khu vực đã quy hoạch sản xuất kinh doanh tập trung và triển khai hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng mới trên diện tích mở rộng thêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các doanh nghiệp đã và sẽ đăng ký tham gia hoạt động tại khu vực. Đồng thời lập quy hoạch và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của các khu dịch vụ – du lịch bổ trợ khác như: Khu du lịch sinh thái thác Ồ, khu công viên văn hoá Khe Sanh – Tân Độ – Rào Quán. Hoàn thành thủ tục và triển khai 5 dự án bổ sung vào hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội với tổng mức đầu tư khoảng 13 triệu USD từ nguồn vốn ODA của ADB ưu tiên đầu tư trên hành lang kinh tế Đông – Tây vào khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo gồm: Hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường thị trấn Lao Bảo (2 triệu USD); trung tâm dịch vụ cứu hộ SOS (2 triệu USD); kho ngoại quan Lao Bảo (1triệu USD); Trung tâm dịch vụ tổng hợp đường 9 (5 triệu USD); Tổ hợp chế biến gỗ xuất khẩu (3 triệu USD).
Tỉnh đã lập kế hoạch trình chính phủ bố trí vốn trong năm 2007 khoảng 70 đến 80 tỷ đồng cho các hạng mục hạ tầng mới như: cắm mốc chỉ giới, san nền thoát nước giao thông tại khu dịch vụ – du lịch Làng Vây, điện cáp ngầm tại cụm thương mại – dịch vụ, nhà kinh doanh lương thực, gốm, sứ, thuỷ tinh tại trung tâm thương mại, các hạng mục công trình giao thông, cấp điện tại cụm cửa khẩu. kịp thời đáp ứng tốt nhất nhu cầu về kết cấu hạ tầng đang tăng mạnh của các dự án sản xuất kinh doanh.
Hai là, nhu cầu thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp – thương mại – dịch vụ Lao Bảo; cụm công nghiệp tập trung phía tây thị trấn Lao Bảo; cụm cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; khu công viên văn hóa Lao Bảo; khu công nghiệp Tân Thành
* Khu công nghiệp – thương mại – dịch vụ Lao Bảo có diện tích 100 ha, đã đầu tư hoàn chỉnh về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án chủ yếu như kinh doanh thương mại, du lịch, khách sạn, gia công, tái chế, lắp ráp, sản xuất công nghiệp sạch.
* Cụm công nghiệp tập trung phía tây thị trấn Lao Bảo có diện tích 27 ha. Tập trung thu hút các loại hình hoạt động như sản xuất công nghiệp, chế biến thực phẩm, lắp ráp ô tô, điện tử, điện lạnh, sản xuất đồ gỗ gia dụng.
* Cụm cửa khẩu quốc tế Lao Bảo có diện tích 30 ha quy hoạch xây dựng nhà ga kiểm soát cửa khẩu, kho ngoại quan, bãi đỗ xe xuất – nhập cảnh.
* Khu công viên văn hoá Lao Bảo rộng 25 ha (Có 7 ha mặt nước). Thu hút các dự án đầu tư về dịch vụ như: vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nhà hàng, khách sạn.
* Khu công nghiệp Tân Thành có diện tích 60 ha, quy hoạch dự trữ dành cho sản xuất công nghiệp nặng. Giai đoạn I đã xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng 30 ha.
* Khu dịch vụ – du lịch Làng Vây có diện tích 65 ha, tập trung thu hút các ngành dịch vụ, kinh doanh siêu thị, kho bãi trung chuyển hàng hoá, bãi đỗ xe, xưởng sửa chữa, bảo dưỡng các phương tiện giao thông.
Tổng các nguồn vốn dự kiến kêu gọi đầu tư vào các khu vực trên là 88 triệu USD, dưới các hình thức như vốn trong nước, liên doanh, 100% vốn nước ngoài, BOT, BTO, BT
Xem thêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét